Lượt xem: 1403

Huyện Kế Sách phát triển trồng cây vú sữa tím xuất khẩu

Trái vú sữa tím của tỉnh Sóc Trăng có tiếng vang không chỉ trong nước mà cả một số thị trường trên thế giới, bởi đây là loại trái cây đặc sản của tỉnh đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vào năm 2018. Phát huy những thành quả trong việc đưa trái vú sữa tím “xuất ngoại” đem về nguồn thu nhập tốt cho nhiều nhà vườn, người dân một số địa phương trên địa bàn huyện Kế Sách đang mở rộng diện tích trồng cây vú sữa tím, đặc biệt là giống vú sữa tím tứ quý (cho trái quanh năm), để đảm bảo sản lượng trái vú sữa tím cung cấp thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.

 


Ông Nguyễn Văn Thắng, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách bên vườn vú sữa tím của gia đình đang vào giai đoạn bao trái. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Để tìm hiểu thực tế việc nhà vườn mở rộng diện tích trồng cây vú sữa tím, chúng tôi đến tham quan vườn vú sữa của ông Nguyễn Văn Thắng, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, đúng lúc ông Thắng đang tiến hành bao trái vú sữa, nhằm bảo vệ trái không bị sinh vật gây hại cho trái.

    Ông Nguyễn Văn Thắng bộc bạch: “Tôi trồng 1 ha vú sữa tím, tính đến nay đã 8 năm tuổi, sản lượng trái thu về ước 20 tấn trái/năm, trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm. Nếu so với các loại cây trồng khác thì trong những năm gần đây, trái vú sữa tím đem lại giá trị kinh tế tốt hơn, bởi nhà vườn áp dụng sản xuất trái theo quy trình VietGAP, giảm chi phí sản xuất và trái vú sữa “sạch” được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, nâng cao giá trị trái vú sữa, đồng nghĩa nâng cao thu nhập cho nhà vườn”.

    Cũng là hộ dân canh tác vú sữa tím, nhưng ông Trần Hữu Thắng, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách chọn trồng cây vú sữa tím tứ quý, thời điểm hiện tại diện tích vườn vú sữa tím 0,5 ha của ông Thắng đã có 0,2 ha đang giai đoạn cho trái, sản lượng trái thu về khoảng 14 tấn trái/năm, trừ chi phí lợi nhuận thu về hơn 200 triệu đồng/năm.

    Ông Hữu Thắng chia sẻ: “Tôi trồng cây vú sữa tím tứ quý, bởi đây là loại cây vú sữa cho trái quanh năm, đảm bảo nguồn thu nhập thường xuyên tại gia đình. Cùng với đó, trái vú sữa tím có nhiều đặc tính tốt như: Trái không còn mũ khi chín, trái vú sữa có kích cỡ lớn, màu sắc đẹp và cây chống chịu độ mặn trong ngưỡng 3. Dự kiến hơn 1 năm nữa, vườn vú sữa 0,5 ha của gia đình tôi sẽ cho trái đồng loạt, khi đó thu nhập từ vườn cây sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với thời điểm hiện tại, góp phần nâng cao đời sống cho cả gia đình”.

    Cách vườn vú sữa tím tứ quý của ông Hữu Thắng không xa là vườn vú sữa tím tứ quý của ông Trần Anh Văn, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách. Ông Anh Văn chia sẻ: “Tôi có vườn vú sữa tím tứ quý 1,6 ha đã cho trái hơn 2 năm qua. Tôi chọn trồng vú sữa tím tứ quý, bởi đây là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, trái có giá trị kinh tế cao, do cây cho trái quanh năm. Toàn bộ diện tích vườn trồng vú sữa tím trước đây là vườn nhãn tiêu da bò kém hiệu quả, tôi mạnh dạn cải tạo lại trồng vú sữa tím. Hiện tại, vườn cây vú sữa tím cho sản lượng trái ước 40 tấn/năm, được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, với giá 30.000 đồng - 40.000 đồng/kg (tùy vào thời điểm thuận mùa và nghịch mùa), với sản lượng trái vú sữa như trên, đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tôi dự định sẽ tiếp tục đầu tư mua thêm 2 ha đất mở rộng diện tích trồng vú sữa tím tứ quý trong thời gian tới, nhằm cung ứng trái vú sữa tím phục vụ thị trường xuất khẩu”.

    Ông Trần Anh Nhân - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao và Du lịch cộng đồng Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách cho biết: “Hợp tác xã có diện tích trồng vú sữa tím tứ quý hơn 30 ha, trong đó có hơn 10 ha đang cho trái và đã được cấp mã code. Theo đó, trái vú sữa tím của hợp tác xã được doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua quanh năm, với số lượng cung cấp từ 5 tấn - 10 tấn/tuần. Hiện tại, hợp tác xã đang tiếp tục mở rộng thêm thành viên tham gia, nhằm tăng diện tích vú sữa trong hợp tác xã cũng như tăng sản lượng trái vú sữa cung ứng trên thị trường. Bên cạnh đó, thành viên trong hợp tác xã đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng vú sữa tím, hứa hẹn thời gian tới sẽ hình thành vùng trồng vú sữa tím tứ quý lớn, cùng phương thức canh tác, đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu”.

    Đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cho biết: “Diện tích vú sữa trên địa bàn tỉnh hơn 1.900 ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Kế Sách, với nhiều giống vú sữa như: Vú sữa lò rèn, vú sữa bơ hồng, vú sữa tím tứ quý… Với tiềm năng, lợi thế trong việc sản xuất trái vú sữa, đặc biệt là trái vú sữa tím xuất khẩu, bà con cần áp dụng kỹ thuật canh tác rải vụ cho trái vú sữa theo sự hướng dẫn của ngành chuyên môn. Đối với trái vú sữa tím tứ quý, đây là cây trồng quý vì cho trái quanh năm, trong khi một số giống vú sữa khác chỉ cho trái trong một khoảng thời gian; do đó, trái vú sữa tím tứ quý là loại trái cây đáp ứng tốt thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, ngoài việc duy trì diện tích trồng vú sữa tím, bà con nông dân nên phát triển trồng vú sữa tím tứ quý, bởi đây là sản phẩm trái cây tiềm năng, phục vụ tốt cho thị trường xuất khẩu”.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 49
  • Hôm nay: 7967
  • Trong tuần: 78,674
  • Tất cả: 11,801,994